Thứ 2 - Chủ Nhật: 8:00 AM - 5:00 PM
vplshoaanbp@gmail.com
0768.359.149
Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, đất đai không chỉ là tài nguyên quan trọng của quốc gia mà còn là tài sản có giá trị lớn đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Chính vì vậy, các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và trật tự xã hội. Tranh chấp quyền sử dụng đất có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: ranh giới đất không rõ ràng, chuyển nhượng không hợp pháp, thừa kế không thống nhất, hoặc do sự chồng lấn quyền lợi giữa các bên. Việc nhận diện đúng bản chất của tranh chấp, áp dụng pháp luật phù hợp và giải quyết một cách công bằng, kịp thời là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên liên quan và giữ vững ổn định trong quản lý đất đai.
Thường khi xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất chúng ta thường hay nghĩ đến việc khởi kiện tranh chấp đất đai ra tòa án để yêu cầu giải quyết, tuy nhiên pháp luật có quy định khác cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất trên. Ví dụ tranh chấp giữa thành viên trong một hộ gia đình như anh chị em, giữa hàng xóm với nhau, giữa những hộ dân sống chung trong một tòa nhà chung cư với nhau… thì có thể yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trên.
– Quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực : Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.
– Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp trên thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Ví dụ tranh chấp giữa Chùa ABC với người dân xung quanh, hoặc người Việt Kiều với người Việt Nam, các doanh nghiệp (FDI) ….
– Quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực: Sau thời hạn 30 nếu các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại thì quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
– Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi giải quyết tranh chấp đất đai phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên nghiêm chỉnh chấp hành.
Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết, cơ quan tham mưu có trách nhiệm xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
– Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, phải có những nội dung chính sau đây:
Phần tiêu đề “Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thửa nào, tờ bản đồ số bao nhiêu, địa chỉ thửa đất…”.
Phần nơi gửi: Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền, ví dụ đất thuộc phường An Bình, tp Dĩ An thì Uỷ ban nhân dân thành phố Dĩ An có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Phần thông tin cá nhân người yêu cầu giải quyết, ví dụ họ tên, số căn cước, địa chỉ thường trú, tạm trú, số điện thoại liên hệ.
Phần nội dung tranh chấp: Nêu rõ các sự kiện chính theo thời gian, ví dụ đất bị lấn chiếm khi nào, diện tích bao nhiêu mét vuông, tứ cận giáp đất của ai hoặc thửa nào, phần diện tích đất bị lấn chiếm có công trình gì trên đất hay không, ai đang sử dụng…
Phần yêu cầu Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết vấn đề gì, ví dụ như buộc ông ABC trả lại phần diện tích lấn chiếm là bao nhiêu m2, có chiều ngang, chiều dài bao nhiêu mét và tứ cận giáp thửa nào hoặc giáp đất của ai, giáp đường tên gì…
– Các biên bản sau đây:
Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, ví dụ vị trí đất tranh chấp tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo thì hòa giải tại ủy ban nhân dân xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo.
Biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan;
Biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp;
Biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành (nếu có);
Biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp (nếu có).
– Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính, dữ liệu ảnh viễn thám qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp (nếu có) và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp tại bộ phận địa chính xã, phường, văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện, sở Tài nguyên Môi trường ở tỉnh, thành phố.
– Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành và gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
– Thời gian thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 45 ngày.
Thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không quá 60 ngày.
Đối với các xã miền núi, biên giới; đảo; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày so với quy định trên.
Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền. Vì vậy khi có tranh chấp đất đai xảy ra nếu thuộc trường hợp trên chúng ta có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*
📌Lưu ý: Mọi thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, nếu quý vị có những thắc mắc hay các vấn đề cần giải đáp vui lòng liên hệ theo thông tin đính kèm.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÒA AN BPH
Hotline : 0768.359.149
Email: vplshoaanbp@gmail.com
Website: LUẬT SƯ HÒA AN BPH (vplshoaan.com)